Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 04/2010/TT-TTCP
30-10-2013

Ngày 29/10, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã chủ trì họp về sửa đổi Thông tư 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 (Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Tham dự buổi làm việc có đai diện Lãnh đạo Vụ Tiếp dân Xử lý đơn thư,  Cục I, II, IV, TTCP, đại diện lãnh đạo thanh tra một số bộ, ngành địa phương khu vực phía Bắc.

Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 04/2010/TT-TTCP
CT

Dự thảo Thông tư thay thế (Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị) với kết cấu 4 chương 26 điều. Trong đó, Chương I, Những quy định chung, gồm 4 Điều; Chương II, Tiếp nhận và phân loại đơn, gồm 2 Điều; Chương III, Xử lý đơn, gồm 3 mục, 19 Điều; Chương IV, Điều khoản thi hành, 1 Điều. 

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nhằm cụ thể hóa việc xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với quy định tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ.

 

Điều 26, Điều khoản thi hành, sửa đổi hiệu lực thi hành của Thông tư mới và bổ sung quy định việc thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010.

 

Phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP là hoàn toàn hợp lý, trúng với yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Tập trung vào một số vấn đề cụ thể, thể hiện qua ý kiến đại biểu đó là: khi Thông tư được ban hành nên có tập huấn để có sự thống nhất trong cách giải quyết; Những vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng thì có tiếp nhận đơn nữa không nếu dân tiếp khiếu cũng cần có quy định; Quy định chặt chẽ việc xác định đơn nặc danh; Xác định rõ nguồn đơn, phân loại đơn căn cứ vào nội dung đơn không nên phân loại theo tiêu đề.

 

Theo Dự thảo Thông tư quy định không chuyển đơn hoặc thụ lý giải quyết đối với đơn tố cáo xuất phát từ khiếu nại, mà khiếu nại đó đã được các cấp chính quyền giải quyết đúng pháp luật; khi cần thiết sẽ kiểm tra xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại chứ không thụ lý để giải quyết vị việc theo trình tự giải quyết tố cáo.

 

Tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư chia sẻ, có nhiều nội dung Luật chưa có quy định cụ thể, trong thực tế những điều quy định chỉ mang tính khung pháp lý, có nhiều vụ việc khi áp dụng trong thực tiễn cần thêm sự vận dụng. Đối với toàn bộ nội dung dự thảo sẽ được sửa đổi theo phân tích và chọn lọc tham khảo các ý kiến của đại biểu, gửi lên cổng thông tin thanhtra.gov.vn xin ý kiến thêm.

 

dexuatkhong.JPG

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh yêu cầu, với 13 ý kiến tham gia trực tiếp cùng nhiều ý kiến gửi về bằng văn bản, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện Thông tư. Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu đưa ra tại buổi họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về: phạm vi điều chỉnh; mẫu phụ lục; việc xác định nguồn đơn; phân loại đơn; căn cứ việc xác định nội dung đơn; sử dụng từ ngữ trong Thông tư; việc xử lý đơn nhiều người cùng nội dung; thời hạn, thời hiệu; việc xác định đơn tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ nhà cũ; đơn tố cáo đảng viên do Trung ương quản lý… Tiếp thu ý kiến của các đại biểu đồng chí Phó tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết, sau cuộc họp này, BST tổng hợp ý kiến báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xin ý kiến tổ chức Hội thảo rộng hơn tiếp tục xin ý kiến bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Thông tư./.

Theo: www.thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:5845