Giao ban thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên |
2-6-2014 |
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, giới thiệu, chia sẻ một số sản phẩm tiêu biểu của Chương trình POSCIS có tính ứng dụng rộng rãi trong ngành Thanh tra tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 29 đến ngày 30/5, Phó Tổng Thanh tra Chính Lê Thị Thủy đã chủ trì họp đánh giá kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm 2014 về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành khu vực miền Trung và Tây nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao dự và phát biểu chào mừng. Tham dự có đại diện lãnh đạo Thanh tra các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên, Ban Quản lý dự án và lãnh đạo một số cục, vụ đơn vị của Thanh tra Chính phủ. |
CT |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực II (Cục II) cho biết, đến hết tháng 5/2014, Thanh tra của 18 địa phương thuộc khu vực II đã triển khai 736 cuộc thanh tra (639 cuộc theo kế hoạch và 9 cuộc đột xuất) và đã kết thúc 344 cuộc; Thanh tra chuyên ngành đã tiến hành 6.313 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực đối với 23.051 tổ chức, cá nhân. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm 151.741 triệu đồng, 236.820 m2 đất; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 65.730 triệu đồng, 175.820 m2 đất (đã thu hồi được 28.690 triệu đồng, 128 m2 đất); kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 179 tập thể, 160 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 05 vụ việc.
Cục trưởng Cục II-TTCP Bùi Ngọc Nam báo cáo kết quả công tác thanh tra 5 tháng của khu vực miền Trung Tây Nguyên Các cơ quan thanh tra địa phương cũng đã tiến hành 110 cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tại 237 đơn vị; phát hiện 33 đơn vị vi phạm, kiến nghị xử lý 38 tổ chức, 96 cá nhân. Kết quả thanh tra trên một số lĩnh vực khác như quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách đảm bảo theo kế hoạch, bám sát chỉ đạo của địa phương, định hướng của Thanh tra Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, phục vụ tốt yêu cầu quản lý của các cấp. Cùng với công tác thanh tra, trong 5 tháng đầu năm 2014, Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc đông người. Đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tăng cường đối thoại, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở. Việc triển khai Kế hoạch 2100, Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ đã bám sát sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo địa phương; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, tác động tích cực, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự xã hội. Ngoài ra, Thanh tra 18 tỉnh khu vực II đã tích cực tham mưu, giúp UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, công khai, minh bạch, thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 đồng thời tiến hành các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao... do đó hiệu quả được nâng lên rõ rệt; góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương tại các địa phương.
Các ý kiến phát biểu của đại diện một số lãnh đạo thanh tra tỉnh cho rằng việc tổ chức giao ban định kỳ là cần thiết và tạo điều kiện cho các địa phương trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tăng cường sự hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, nhất là của Cục phụ trách địa bàn đối với các địa phương. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thuỷ đánh giá, hoạt động thanh tra của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong những tháng đầu năm theo kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao tương đối đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thanh tra các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tham mưu có hiệu quả công tác tiếp dân, đã theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi địa phương mình để có biện pháp tham mưu giải quyết kịp thời, nhất là ở các tỉnh có các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, đông người; do đó có nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã thực hiện xong Kế hoạch 1130/KH-TTCP (52/56 vụ của cả khu vực) và tổng hợp xong danh sách các vụ việc theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP. Đồng thời, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng, công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các mặt công tác, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu, thanh tra các tỉnh, thành phố trong khu vực cần quan tâm chất lượng các cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Phân công cán bộ, bố trí thời gian để nắm tình hình khiếu kiện kịp thời, khi địa phương có khiếu kiện đông người phải kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Thanh tra Chính phủ, đồng thời phối hợp với Cục II-TTCP để xử lý ngay. Đặc biệt, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, một số địa phương xuất hiện các phần tử xấu, phản động lợi dụng sự bức xúc của nhân dân, lôi kéo, kích động biểu tình, đập phá, trộm cướp tài sản của doanh nghiệp, gây mất ổn định tình hình, nên thanh tra các tỉnh, thành phố trong khu vực phải chủ động nắm tình hình và tham mưu lãnh đạo tỉnh xử lý kịp thời các khiếu kiện của công dân, không để dân bức xúc, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục dân tập hợp thành đám đông, đoàn đông người đi khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương./.
Theo: Thanhtra.gov.vn |
Số lượt xem:459 |