Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Thông tư về tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo
2-6-2014

Ngày 19/5 tại Ninh Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 và Thông tư thay thế Thông tư 07/2011/TT-TTCP ngày 28/7/2011 về hướng dẫn quy trình tiếp công dân.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Thông tư về tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo
CT

IMG_361.JPG

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư Nguyễn Hồng Điệp đã thuyết minh về nội dung Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn KN, TC, phản ánh, kiến nghị thay thế Thông tư 04 và Thông tư thay thế Thông tư 07 về hướng dẫn quy trình tiếp công dân. 

Theo đó, kết cấu cấu của Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP gồm 4 chương, 30 Điều. So với Thông tư 04, tên gọi của Thông tư thay thế mới có thay đổi, bỏ cụm từ “liên quan đến KNTC” cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh cũng rộng hơn, bổ sung đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nhằm cụ thể hoá việc xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với các quy định hiện hành. 

Đối với đơn đủ điều kiện thụ lý giải quyết, Dự thảo Thông tư loại bỏ quy định về việc người viết đơn phải “ký tên trực tiếp” và bổ sung quy định người viết đơn được điểm chỉ (nếu không ký đơn). Đối với đơn không đủ điều kiện xử lý, Dự thảo bổ sung quy định không xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh (không có chữ ký), đơn mạo danh một tập thể, đơn có  tên nhưng không ghi rõ địa chỉ cụ thể của người tố cáo. Tuy nhiên, đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung đơn tố cáo rõ ràng, kèm theo các tài liệu chứng minh nội dung tố cáo thì xử lý như đơn đủ điều kiện. 

Đối với quy định xử lý đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, tại Chương III, Điều 17 Dự thảo Thông tư bổ sung quy định không chuyển đơn hoặc thụ lý giải quyết đối với đơn tố cáo xuất phát từ khiếu nại mà khiếu nại đó đã được cấp chính quyền giải quyết đúng pháp luật; chỉ kiểm tra xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại chứ không thụ lý để giải quyết vụ việc theo trình tự giải quyết tố cáo khi cần thiết. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định 6 trường hợp cụ thể, người xử lý đơn có quyền lưu đơn nhưng không cần hướng dẫn, phúc đáp và bổ sung thêm về việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh đối với những vụ việc nghiêm trọng, những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo.

Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 07 về hướng dẫn quy trình tiếp công dân gồm 6 Chương, 36 Điều và 11 biểu mẫu ban hành kèm theo. Dự thảo Thông tư bổ sung, mở rộng đối với đối tượng công dân đến kiến nghị, phản ánh và các cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập. Tại Điều 15 Chương 2 của Dự thảo bổ sung thêm quy định đối với trường hợp khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; bổ sung thêm phụ lục “Hướng dẫn người KN”, mẫu “Đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. 

Tại Hội thảo, các ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết và cấp bách của việc xây dựng các Thông tư nói trên; đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại một số từ ngữ cho phù hợp, lược bỏ những câu chữ, nội dung trùng lắp; chia sẻ nhiều thống tin về tiếp dân và giải quyết đơn thư tại đơn vị, mong muốn việc đơn thư tập trung vào một đầu mối để tránh việc xử lý lòng vòng trong cùng một cơ quan đơn vị; việc xử lý đơn thư phải đúng thẩm quyền; nguyên tắc xử lý đơn thư là cấp dưới thực hiện theo yêu cầu của cấp trên; cần làm rõ các quy định giải quyết khi có khiếu kiện đông người…

IMG_362.jpg

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo ngày càng diễn biến phức tạp, bức xúc và khó lường; việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 04 và Thông tư 07 là vô cùng cần thiết và cấp bách; khẳng định, tiếp dân phải gắn liền với giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn liền với việc hướng dẫn các quy định pháp luật cho công dân; gắn với việc phối kết hợp giải quyết tình hình khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật.. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đề nghị, Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một số nội dung đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn tiếp công dân theo ý kiến của các đại biểu; hoàn thành Dự thảo sớm để ban hành hai Thông tư trước tháng 7/2014./. 

Theo: Thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:9474