Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm đánh giá (IRG) việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
10-6-2014

Từ ngày 02 đến 06/6/2014, tại Viên, Cộng hòa Áo, phái đoàn Việt Nam do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào làm Trưởng đoàn đã tham dự Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm đánh giá (IRG) việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước). ​

Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm đánh giá (IRG) việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
CT

Cuộc họp có sự tham gia của 127 quốc gia thành viên, các bên ký kết, các quan sát viên và tổ chức quốc tế. Trong 03 ngày từ 02 đến 04/6/2014, cuộc họp đã nghe thông tin cập nhật từ Ban Thư ký, các khu vực và các quốc gia thành viên về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, thực thi Công ước nói riêng; thảo luận về kết quả đánh giá thực thi Công ước trong chu trình đầu tiên, đặc biệt là những khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm, cũng như nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia thành viên. Nội dung trao đổi, chia sẻ tập trung chủ yếu vào việc thực hiện Chương III (Hình sự hóa và thực thi pháp luật) và Chương IV (Hợp tác quốc tế) của Công ước. Nhóm các quốc gia G77 và Trung Quốc cũng đã có phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế đánh giá, ngân sách của Liên hợp quốc dành cho các hoạt động đánh giá và vai trò hỗ trợ, điều phối hỗ trợ kỹ thuật của Ban Thư ký. 

Tại cuộc họp này, Nhóm đánh giá cũng đã tổ chức rút thăm lựa chọn quốc gia đi đánh giá việc thực thi Công ước đối với 03 quốc gia thành viên mới, bao gồm Oman, Palestine và Cộng hòa Séc. Đồng thời, các quốc gia thành viên cũng nêu lên những khó khăn, bất cập liên quan đến cơ chế đánh giá hiện hành, thảo luận về bản Danh mục tự đánh giá (sửa đổi) và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình đánh giá. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên các quốc gia thành viên đều khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong quy trình đánh giá Công ước; sự cần thiết của việc tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ về Cơ chế đánh giá sau chu trình đánh giá đầu tiên để có những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện cơ chế đánh giá trong chu trình tiếp theo (theo kế hoạch sẽ bắt đầu từ năm 2015). 

IMG-404.JPG

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Việt Nam khẳng định, thông qua quá trình đánh giá việc thực thi Công ước thời gian qua với cả vai trò là quốc gia đi đánh giá và được đánh giá, Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt từ các quốc gia thành viên, đặc biệt là từ Cộng hòa Áo và Israel để hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng của mình. Việt
Nam cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của Ban Thư Ký trong việc thúc đẩy, hỗ trợ quá trình đánh giá tại các quốc gia thành viên. Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá thực thi Công ước, đặc biệt là bản Danh mục tự đánh giá (sửa đổi), Việt Nam cho rằng những nỗ lực nhằm đơn giản hóa các câu hỏi đánh giá của Ban Thư ký là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên cần phải có thời gian và bước đi thận trọng. Bản dự thảo Danh mục tự đánh giá và những hướng dẫn kèm theo đang được đưa ra lấy ý kiến xét ở một khía cạnh nhất định có thể làm gia tăng thời gian và kinh phí đối với quốc gia thành viên khi tiến hành đánh giá thông qua những yêu cầu cung cấp bằng chứng về việc thực thi Công ước như các báo cáo phân tích, đánh giá thực tiễn hoặc báo cáo khảo sát về cảm nhận, trải nghiệm của công chúng đối với các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Chính phủ... Trong bối cảnh hiện tại, những yêu cầu như vậy không thực sự phù hợp với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Phát biểu của phái đoàn Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ các quốc gia thành viên khác tham dự cuộc họp.

Bên lề cuộc họp, phái đoàn Việt Nam cũng đã có buổi tiếp xúc làm việc với Ban Thư ký Công ước, CHDC Công-gô và Mauritius để thảo luận về việc chuẩn bị đánh giá thực thi Công ước đối với CHDC Công-gô. Theo đó, ngôn ngữ được sử dụng để đánh giá sẽ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Mauritius sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá Chương III về hình sự hóa và thực thi pháp luật và Việt Nam sẽ đánh giá Chương IV về hợp tác quốc tế. Trên cơ sở phân công như vậy, các chuyên gia đánh giá sẽ trao đổi ý kiến về những nội dung khác mà họ không chịu trách nhiệm chính. Hiện tại, CHDC Công-gô đang hoàn thiện bản Danh mục tự đánh giá và dự kiến sẽ tiến hành dịch sang tiếng Anh để gửi cho các chuyên gia Việt NamMauritius đánh giá vào đầu tháng 11 năm 2014.

Trong 02 ngày làm việc tiếp theo, cuộc họp sẽ tiếp tục thông báo kết quả thực thi Công ước cho đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, thảo luận về giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức này trong quy trình đánh giá và kế hoạch ngân sách cho các hoạt động đánh giá, cũng như các vấn đề khác có liên quan.

 Theo: thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:2071