Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về triển khai các cuộc thanh tra
11-3-2015

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 6/3, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến Trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai các cuộc thanh tra năm 2015 đạt hiệu quả hơn. Tham dự hội thảo gồm lãnh đạo các Cục, vụ, Trưởng phòng, Phó phòng và Thanh tra viên cao cấp thuộc Thanh tra Chính phủ.

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về triển khai các cuộc thanh tra
CT

Tại hội thảo, lãnh đạo các Cục, vụ đã tập trung trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm về ưu, nhược điểm trong triển khai các cuộc thanh tra thời gian vừa qua, đồng thời đưa ra giải pháp trong thời gian tiếp theo. Theo ý kiến đánh giá tại hội thảo, nhìn chung, kế hoạch thanh tra đã tập trung vào một số lĩnh vực quản lý có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động thanh tra được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Kết luận thanh tra tạo được sự đồng thuận của các cấp, ngành, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai các cuộc thanh tra cũng bộc lộ một số hạn chế chủ yếu như: Nhiều cuộc thanh tra kết luận chậm so với quy định; một số cuộc thanh tra kéo dài; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra còn nhiều hạn chế, nội dung thanh tra dàn trải; thành viên đoàn thanh tra được lựa chọn vẫn còn trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc thanh tra. Một số Trưởng đoàn thanh tra năng lực tổng hợp còn hạn chế hoặc phân công, bố trí Phó đoàn, thành viên còn có nhiều bất cập. Thêm vào đó, chất lượng, kỹ năng và tiến độ xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần. Trách nhiệm phối hợp giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định kết quả thanh tra của Cục trưởng, Vụ trưởng chủ trì cuộc thanh tra với Vụ Giám sát thẩm định và đoàn thanh tra chưa kịp thời. Đồng thời, phương pháp nghiệp vụ tiến hành thanh tra của một số thành viên còn yếu; các vướng mắc trong vấn đề pháp luật chuyên ngành xử lý còn chậm; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý ngay trong quá trình thanh tra chưa chủ động mà thường dồn vào giai đoạn xây dựng báo cáo kết luận thanh tra.

Hiện nay, phần lớn các đoàn thanh tra chưa tổ chức họp đoàn sau khi kết thúc thanh tra để đánh giá rút kinh nghiệm. Thậm chí, một số đoàn thanh tra có làm nhưng chưa tốt, chưa nghiêm túc, chưa đánh giá cụ thể trách nhiệm từng thành viên đoàn thanh tra.

DSC01495.jpg
Nhằm triển khai các cuộc thanh tra đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, công tác thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để quyết định thanh tra là hết sức quan trọng, giúp thanh tra có trọng tâm, rút ngắn được thời gian. Trong đó, người được giao nắm tình hình phải là người có năng lực, am hiểu về lĩnh vực dự kiến thanh tra và sẽ là thành phần chủ yếu, trụ cột đoàn thanh tra sau này. Sau khi nắm tình hình, báo cáo khái quát tình hình về đối tượng thanh tra, nội dung chính sẽ thanh tra, quy mô, biện pháp tổ chức cuộc thanh tra. Đồng thời kiến nghị, Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình trước khi quyết định thanh tra.

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn cần phân công nhiệm vụ đúng chuyên môn, sở trường từng thành viên, chú ý phân công thành viên có năng lực tổng hợp tốt để xây dựng báo cáo, kết luận và các văn bản liên quan. Đối với những cuộc thanh tra có nội dung phức tạp, quy mô lớn thì tổ chức tập huấn để mọi thành viên trong Đoàn nắm chắc về kế hoạch, các nội dung tiến hành thanh tra.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của Trưởng đoàn cần được đề cao. Trưởng đoàn phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và thực thi chế độ thủ trưởng trong Đoàn. Đồng thời, Trưởng đoàn phải nắm chắc kế hoạch thanh tra và các vấn đề trọng tâm nhưng cần linh hoạt trong chỉ đạo khi phát sinh diễn biến mới. Khi kết thúc từng phần việc, Đoàn phải có biên bản làm việc với đối tượng thanh tra, biên bản trước khi ký phải thông qua Trưởng đoàn, tránh trường hợp nội dung ghi biên bản nhưng không kết luận được. Khi cần thiết xin ý kiến các bộ, ngành, đoàn thanh tra cần thực hiện song song trong quá trình thanh tra. Tiếp đó, dự thảo kết luận thanh tra phải được xây dựng ngay sau khi Trưởng đoàn báo có kết quả với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, có căn cứ pháp lý, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng. Sau khi ban hành kết luận thanh tra thì Vụ trưởng, Cục trưởng phải tổ chức họp rút kinh nghiệm để đánh giá, nhận xét ý thức trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đoàn Thanh tra, Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra./.

theo:thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:3828