Hội nghị phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng
15-5-2015

Ngày 12/5, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt một số văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tham dự hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, Ngô Văn Khánh cùng toàn thể công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ; các công chức, viên chức khu vực phía Nam dự hội nghị qua truyền hình trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định công tác tổng kết 10 năm luật PCTN được xác định trong chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về PCTN năm 2015 của TTCP; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và Thông tư 02/2014/TT-TTCP về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao giúp chúng ta nhìn nhận việc tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan nhà nước, là biện pháp căn bản để phòng ngừa tham nhũng. Vì thế, Nghị định 90 và Thông tư 02 về trách nhiệm giải trình là một trong những bước tiến quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế về PCTN của Việt Nam; Thông tư số 04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN cũng cần được chú trọng theo đó, việc thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu làm cơ sở khoa học để đưa ra nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN là vấn đề kỹ thuật phức tạp, là thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào. Song nó cũng là yêu cầu khách quan trong công tác PCTN vì chỉ đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân mới giúp cơ quan chức năng quyết định giải pháp PCTN phù hợp; Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV có hiệu lực ngày 01/5/2015, với quy định nâng cao mức tiền thưởng; trình tự, thủ tục khen thưởng chặt chẽ; chú trọng tới việc bảo vệ người tố cáo. Trên cơ sở đó, có thể tin tưởng rằng việc thực hiện Thông tư 01 sẽ có những kết quả tích cực, khuyến khích người dân dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng yêu cầu mỗi công chức, viên chức Ngành Thanh tra, dù trên cương vị công tác nào cũng cần quán triệt tinh thần Thông tư liên tịch 01 để có thể tuyên truyền, giải thích một cách đúng đắn cho người dân về các quy định của Thông tư.

IMG_8473.JPG
Tại hội nghị các đại biểu được nghe ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phổ biến Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; Thông tư 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/ 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch số 01/2015/TTL-TTCP-BNV ngày 16/3/2015 giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ về quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.

IMG_8489.JPG
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ phổ biến Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao; Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP.

IMG_8496.JPG
Kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng là mục tiêu chiến lược được xác định trong Nghị quyết TW3 (Khóa X), thời hạn phải đạt được chậm nhất là năm 2020 (được xác định tại Chiến lược quốc gia về PCTN) song những năm gần đây, qua kết quả đánh giá chúng ta chưa đạt được mục tiêu này.

Bên cạnh đó, đánh giá việc thực hiện và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là hành vi có độ ảnh hưởng cao, tiềm ẩn xung đột lợi ích, nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích nhóm, cục bộ là những tác nhân chi phối độ chính xác khách quan của việc đánh giá. Việc khắc phục những hạn chế cần phải đánh giá theo các tiêu chí khách quan, khoa học và tổng hợp.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước là một khái niệm mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Cần hiểu rõ nội hàm giải trình, người yêu cầu giải trình, người giải trình; nguyên tắc, nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục, quyền hạn và nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình. Qua đó cần bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực công của cơ quan nhà nước nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định trách nhiệm giải trình không chỉ có ở Thông tư 02 và Nghị định 90 mà nó còn có ở nhiều các văn bản quy phạm khác nhau.

Bảo vệ và khen thưởng người tố cáo là một trong những thiết chế quan trọng và cần thiết để góp phần khuyến khích người dân tham gia tố cáo hành vi tham nhũng. Luật tố cáo có một chương riêng quy định về việc khen thưởng người tố cáo, so với Luật các nước trên thế giới quy định về vấn đề này thì Luật tố cáo đã thể hiện tương đối rõ. Song việc thực thi Luật tố cáo và Nghị định hướng dẫn trong thực tiễn vẫn còn những bất cập, việc bảo vệ người tố cáo còn lúng túng, do đó cần phải ban hành Thông tư mới (Thông tư 01/2015/TTL-TTCP-BNV) trong đó xác định rõ đối tượng được khen thưởng; người tố cáo được bảo vệ như thế nào; mức thưởng người tố cáo; trình tự, thủ tục nhận khen thưởng được đơn giản hơn.

 Theo: thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:3013