Tăng cường thanh tra, “chặn” tình trạng thu gom sổ BHXH
27-5-2015

Trao đổi với PV Báo Thanh tra bên hành lang Quốc hội về sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, hôm qua (21/5), ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, nếu cho phép người lao động (NLĐ) nếu có nguyện vọng được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom sổ BHXH của NLĐ gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần...

Tăng cường thanh tra, “chặn” tình trạng thu gom sổ BHXH
CT

Phải tôn trọng ý kiến người lao động

+ Để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận NLĐ, Chính phủ đề xuất cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được lựa chọn hưởng BHXH một lần, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Luật pháp làm cho NLĐ chứ không phải làm cho người làm luật. Chính phủ khẳng định, Điều 60 bảo đảm quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp, đem lại lợi ích cho NLĐ và bảo đảm đúng quy trình làm luật. Nhưng, một bộ phận NLĐ không đồng ý do thị trường lao động của chúng ta chưa hoàn thiện, việc làm chưa bền vững, đời sống khó khăn, lương tối thiểu mới đáp ứng được 70% nên mong muốn lấy tiền này trước mắt nuôi sống bản thân và gia đình. Đây là nguyện vọng, ý chí của NLĐ thì nên xử lý linh hoạt để NLĐ lựa chọn.

Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Điều quan trọng chúng ta phải tuyên truyền để NLĐ thấy Điều 60 hoàn toàn vì lợi ích an sinh xã hội của NLĐ để khi về già có tiền lương hưu bảo đảm cuộc sống, không phụ thuộc vào con cái và tạo gánh nặng cho xã hội.

+ Theo thống kê của Ủy ban các vấn đề xã hội thì tỷ lệ muốn nhận BHXH một lần có lớn không, thư ông?

- Rất cao. Bình quân mỗi năm khoảng có 500 ngàn người ra khỏi hệ thống BHXH, số lượng vào cũng tương đương. Với số vào - ra cân bằng như vậy thì rõ ràng mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH không đạt. Nếu như bài toán Chính phủ trình, nếu đồng ý giải quyết BHXH một lần thì những năm sau sẽ không đạt mục tiêu về đối tượng. Quan trọng, Nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho người khi về già. Năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3 nghìn tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, nếu nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra khoảng 7 nghìn tỷ/năm thì rõ ràng rất khó khăn. Cho nên phải làm sao cân đối lợi ích NLĐ, Nhà nước, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn phải tôn trọng ý kiến NLĐ.

Tiền lương BHXH là “của để dành”

+ Một trong những nguyên nhân NLĐ phản đối, chưa đồng thuận với Điều 60 Luật BHXH năm 2014 là thiếu niềm tin vào cơ quan Nhà nước?

- Điều này là do các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng chưa làm rõ, giải thích rõ chính sách cho NLĐ. Tiền lương BHXH là của để dành của NLĐ không ai có quyền được vi phạm kể cả cơ quan quản lý quỹ này. Mà Quỹ BHXH do hội đồng quản lý quỹ quốc gia quản lý không phải do cơ quan BHXH ôm. Có NLĐ nói rằng, đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng. Bằng giá nào NLĐ cũng được trả hết. Nếu không may NLĐ chết vẫn được 10 tháng lương mai táng phí, thân nhân của người chết vẫn được hưởng tiền tuất một lần, hoặc tuất hàng tháng nếu bố mẹ hết tuổi lao động và con dưới 18 tháng tuổi. Tiền này dù sống hay chết, NLĐ đã đóng thì được hưởng, không ai được lấy khoản tiền này với NLĐ.

+ Trên thực tế, đang xuất hiện tình trạng, lợi dụng khó khăn của NLĐ để thu gom Sổ BHXH lấy tiền BHXH một lần?

- Đúng vậy. Một số cai đầu dài đã thu gom sổ BHXH của người NLĐ phổ biến trên thị trường để làm hộ chính sách BHXH một lần. Quan trọng, đây như là hình thức bán lúa non. Ví dụ NLĐ chỉ được khoảng 70%, còn cai đứng ra thu gom được 30%. Tôi cho rằng, phải tuyên truyền cho NLĐ thấy khi đã khó khăn thì đến cơ quan BHXH làm thủ tục hưởng BHXH một lần để không mất đồng nào với cai. Chưa đã khó khăn rồi, đi thanh toán lại còn mất tiền cho cai nữa thì quả thực đấy là gánh nặng cho NLĐ.

+ Còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào để chặn tình trạng này?

- Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ sổ BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom Sổ BHXH của NLĐ gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần. Khi thanh toán BHXH, cơ quan BHXH chỉ thanh toán đúng người NLĐ, đúng việc đừng để tình trạng NLĐ không ốm đau gì mà lại có người đi làm thuê. Vấn đề này cơ quan BHXH đã phát hiện ra và chúng tôi cũng đã kiến nghị phải hết sức chặt chẽ quản lý tránh tình trạng NLĐ bị thiệt.

Mong muốn sửa Điều 60 là để một bộ phận NLĐ khó khăn có thể giải quyết những vấn đề trước mắt. Nhưng tôi muốn nói rằng, NLĐ nên nghiên cứu kỹ, cân nhắc kỹ, quả thực khó khăn không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần còn nếu không cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu bảo đảm cuộc sống, tránh rủi ro khi về già.

                               Theo: Báo Thanhtra

  
Số lượt xem:3645