Năm 2015 công tác phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực
14-9-2015

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Cùng với việc tăng cường bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt.

Năm 2015 công tác phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực
CT

 Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tăng cường các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2015, chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể theo từng nội dung công tác;  thành lập 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành triển khai đồng bộ công tác PCTN; tập trung thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN, lãng phí; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những vướng mắc, khó khăn, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện.

Các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về PCTN và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; đã tập trung tham mưu cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trong việc ban hành các chủ trương, kế hoạch công tác phù hợp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra nhất là khi tội phạm tham nhũng phát sinh ở những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Các vụ việc có liên quan đến tham nhũng được tập trung giải quyết và xử lý nghiêm minh.

Trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, năm 2015 Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nhiều văn bản quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được ban hành và triển khai thực hiện. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng với trọng tâm là việc cụ thể hóa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, lãng phí.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đối với cán bộ, công chức và nhân dân đã có hiệu quả, tác động tích cực, nhất là trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức có ý thức sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng. Ý thức của nhân dân trong việc tố cáo tham nhũng được nâng lên rõ rệt so với trước. Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đã bước đầu có tác dụng trong việc nâng cao nhận thức về PCTN của học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ nói chung.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Cải cách hành chính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, trả lương qua tài khoản, đổi mới phương thức thanh toánVề minh bạch tài sản, thu nhập và việc nộp lại quà tặng;Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã được tập trung triển khai thực hiện và có chuyển biến tích cực, nhất là cải cách hành chinh.

Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; chủ động phối hợp theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo xử lý hành vi tham nhũng đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về PCTN tiếp tục được tăng cường thực hiện, nhất là việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các thỏa thuận hợp tác trong khu vực. Việc nghiên cứu Công ước và đề xuất nội luật hoá quy định của Công ước được chú trọng trong quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi. Cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tiến hành điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc và thu hồi tài sản có liên quan đến nước ngoài. Thanh tra Chính phủ đã triển khai Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng tại nhiều nơi trong cả nước. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN đã góp phần nâng cao vị thế, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong PCTN, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt của quốc tế trong lĩnh vực PCTN.

Nhìn chung, với nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác PCTN năm 2015 đã góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội; nêu cao trách nhiệm, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật./.

Theo: thanhtra.gov.vn

  
Số lượt xem:1210