UBTVQH xem xét, cho ý kiến lần 3 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) |
11-9-2018 |
Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào sáng 10/9, Ủy Ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến lần 3 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). |
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. UBTP đã có các báo cáo trình UBTVQH tại phiên họp thứ 25 và 26 xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến thống nhất.
Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án gồm: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 7/9/2018 trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.
Ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 3) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại phiên họp, thay mặt UBTP và Cơ quan trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã báo cáo UBTVQH các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57).
Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (Phương án 1 của dự thảo Luật). Đồng thời, có ý kiến ĐBQH tán thành với phương án tạm coi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2 của dự thảo Luật).
Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị một số phương án khác như: Xử phạt hành chính ở mức cao đối với hành vi không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga về phương án 1 (xem xét, giải quyết tại Tòa án), ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Về trách nhiệm chứng minh, phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh.
Về trình tự, thủ tục giải quyết, theo phương án này, thủ tục giải quyết sẽ áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và phiên họp có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của Tòa án. Đồng thời, quy trình, thủ tục giải quyết loại việc này tại Tòa án cũng nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của Tòa án mới thi hành được.
Về phương án 2 (thu thuế thu nhập cá nhân), ưu điểm là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.
Nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án.
Theo phương án này sẽ phải sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Quy định về thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra mức thuế phù hợp với thực tiễn.
UBTP đề nghị, nếu Quốc hội quyết định theo phương án này thì đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất, bảo đảm tính đồng bộ để ngay khi Luật PCTN (sửa đổi) có hiệu lực thì quy định về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thực hiện được ngay.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết thêm, đối với các phương án khác theo ý kiến của ĐBQH như xử lý bằng biện pháp phạt hành chính ở mức cao với hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập. Phương án này mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Phương án xử lý hình sự thông qua việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính. Việc xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính thường gặp khó khăn trong chứng minh tội phạm, trình tự, thủ tục kéo dài qua nhiều cấp xét xử, dẫn đến hiệu quả thu hồi tài sản không cao. Đồng thời, do đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, do đó chưa nên đặt vấn đề hình sự hóa hành vi này. Ngoài ra, khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.
Về xử lý như hiện nay, chỉ xử lý kỷ luật hành vi giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực. Đối với tài sản này sẽ bị xử lý, tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có theo quy định của pháp luật hiện hành. Phương án này tuy chặt chẽ về mặt pháp lý, không gây ra oan sai, nhưng lại chưa xử lý được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh PCTN.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTP và Cơ quan trình dự án xin ý kiến UBTVQH về 2 phương án liên quan đến Điều 57 về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cụ thể như sau:
Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây: bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án.
Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có”.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết thêm, UBTP đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan để chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến ĐBQH, ý kiến của UBTVQH, xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan hữu quan; xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, UBTVQH, ý kiến góp ý của các Đoàn ĐBQH, ĐBQH, các cơ quan, tổ chức, UBTP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.
Theo thanhtra.gov.vn |
Số lượt xem:1593 |