Mục tiêu của cuộc khảo sát là nhằm nhận diện và cung cấp các bằng chứng thực tiễn về thực trạng tham nhũng hiện nay; đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua khảo sát 1098 người thuộc 3 nhóm đối tượng trên khắp cả nước cho thấy: Tham nhũng càng ngày càng được nhiều người đánh giá là "phổ biến" và "rất phổ biến"; tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây; tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp; các nhóm đối tượng đều bình chọn tham nhũng là 1 trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, trong đó CBCC xếp đây là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Đa số những người được hỏi đều đánh giá tham nhũng không giảm trong 10 năm qua. Tỷ lệ CBNN đánh giá việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp liên quan đến cá nhân. Hiệu quả thực hiện cơ chế phát hiện xử lý hành vi tham nhũng chưa được đánh giá cao. Tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được rất thấp (chỉ 3,8% đối tượng khảo sát cho rằng tỷ lệ thu hồi là "cao"). Tuyệt đại đa số CBCC cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN; cần thay đổi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN.
Từ những kết quả của nghiên cứu, khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kết luận và khuyến nghị: 1. Luật phải có cơ chế đảm bảo thi hành, giám sát, kiểm tra quá trình thi hành; tránh bị tác động bởi các yếu tố chủ quan trong quá trình thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; 2. Xem xét sửa đổi và bổ sung một số khái niệm liên quan đến tham nhũng; 3. đổi mới căn bản quy định về kê khai tài sản, thu nhập, áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản; 4. Bổ sung quy định về bảo vệ người cung cấp thông tin và miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp; 5. Cân nhắc chính sách khoan hồng phù hợp đối với người đưa hối lộ trong trường hợp bị ép buộc, bất khả kháng hoặc đã chủ động tố giác khi bị phát hiện; 6. Bổ sung vào Luật các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về PCTN; 7. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN, bao gồm thành lập Ủy ban quốc gia về PCTN và kiện toàn, bổ sung vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hiện tại; 8. Luật cần quy định về nguồn lực, đặc biệt là ngân sách dành riêng cho công tác PCTN.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn trình bày hai dự thảo báo cáo về so sánh kinh nghiệm quốc tế liên quan đến một số chế định của pháp luật về PCTN và mức độ tuân thủ của pháp luật việt nam với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tại hội thảo một số ý kiến tham luận cho rằng, Luật PCTN triển khai 10 năm qua tuy còn một số bất cập nhưng đã thấy được hiệu quả thực hiện trong một số lĩnh vực như trong lĩnh vực cải cách hành chính; kết quả nghiên cứu đã đưa đến những nhận định và kiến nghị trong đó tập trung chỉ ra những điểm cần hoàn chỉnh sửa đổi của Luật, tuy nhiên, các kiến nghị chưa được cụ thể; vấn đề kê khai tài sản thu nhập, việc xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là một trong những kiến nghị cũng được các đại biểu quan tâm.
Tham gia thảo luận, bà Sarah Dix, Cố vấn chính sách cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tình với khái niệm tham nhũng được đưa ra trong nghiên cứu khảo sát và đề xuất đưa khái niệm này vào trong quá trình bổ sung, sửa đổi Luật PCTN. Theo bà Sarah Dix, với quy mô mẫu như hiện tại chưa thể phản ánh được tất cả các quan điểm của toàn xã hội đối với vấn đề tham nhũng nhưng cũng đủ đảm bảo để đại diện và kết quả của cuộc khảo sát là có độ tin cậy cao.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, việc tiến hành khảo sát thực tiễn và rà soát pháp luật có ý nghĩa quan trọng giúp phản ánh một góc nhìn khác từ phía người dân doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các chuyên gia về thực trạng tham nhũng và tiến triển công tác PCTN trong 10 năm qua. Dự thảo Báo cáo khảo sát và báo cáo rà soát pháp luật cũng đã giúp cho chúng ta thấy những phát hiện về tình trạng, diễn biến và hiệu quả của các biện pháp PCTN; các giải pháp PCTN đề xuất dựa trên cảm nhận và trải nghiệm của các đối tượng khảo sát; những kinh nghiệm quốc tế tốt có thể áp dụng cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng hoan nghênh những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đối với công trình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu dựa trên các con số có sự chênh lệch nhất định so với thực tế nhưng những nhận định, kết luận về tình hình tham nhũng nói chung là có cơ sở chính đáng. Bên cạnh đó, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, việc sửa đổi Luật PCTN phụ thuộc vào 03 nguồn dữ liệu quan trọng thông qua việc tổng kết công tác thanh tra, tổng kết của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương về tình hình tham nhũng cũng như những phản hồi của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội./.
theo: thanhtra.gov.vn