Báo cáo Dự thảo tổng kết Chương trình tại Hội nghị, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, TTCP cho biết, 34 đề án được giải VACI 2011 đã được triển khai tại nhiều vùng, miền trên cả nước, trong đó có 60%được triển tại khu vực miền Bắc, 25% tại khu vực miền Nam và 15% tại khu vực miền Trung. Nhiều đề án triển khai ở các địa phương còn gặp một số khó khăn cụ thể như việc phân chia vùng, miền, cơ cấu dân cư...
Với 34 đề án được lựa chọn trao giải trong vòng chung khảo, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Khóa tập huấn nghiệp vụ quản lý, điều hành cho các chủ đề án được giải. Trong quá trình thực hiện, Tổ công tác thực hiện Chương trình VACI 2011 của TTCP, khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ chủ đề án, TTCP đã gửi văn bản hoặc trao đổi kịp thời với các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương đề nghị phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đề án triển khai theo kế hoạch.Tổ công tác của TTCP cũng thường xuyên trao đổi với các chủ đề án, kịp thời tư vấn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, Ông Hùng cũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo cuối kỳ của các đề án, kết quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan đồng tổ chức và Báo cáo giám sát của tư vấn độc lập, Chương trình VACI 2011 đạt kết quả tốt, các đề án đã cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, chất lượng các hoạt động đáp ứng yêu cầu của chương trình. Cụ thể, tính hết ngày 01/5/2013, hầu hết các đề án đã hoàn thành các hoạt động và sản phẩm như dự kiến, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra, đóng góp thiết thục cho chủ đề “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần chống tham nhũng hiệu quả”. Qua đánh giá chung cho thấy, đối với 34 đề án đa số đạt yêu cầu ở mức khá, đạt mức điểm trung bình 3,5/5 điểm, hoàn thành kế hoạch hoạt động đúng tiến độ, đảm bảo các đầu ra, các chỉ tiêu định lượng dự kiến.
Một số đề án đạt được kết quả xuất sắc, tác động tích cực tới công tác PCTN tại địa phương, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Chương trình VACI 2011 như: Đề án P14 “Năng cao năng lực giám sát cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới” của Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh Thái Nguyên; Đề án “ Nâng cao năng lực giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả nêu trên, cũng còn có một số đề án chưa thực sự thành côngnhư: P40 “Tăng cường phổ biến pháp luật và giáo dục đạo đức góp phần PCTN” của Chi đoàn Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang; P48 “Xây dựng website trực tuyến công khai quá trình tiếp nhận và phân phối tiền, hành cứu trợ nhân dân vùng thiên tai, bão lụt” của Chi đoàn Đại học Nông nghiệp 1… Các đề án này thường được thiết kế dàn trải, không xác định được hoạt động cốt lõi để đạt mục tiêu dự kiến. Một số Đề án được trình bày rõ ràng, nhiều ý tưởng mới, mục tiêu khá tham vọng nhưng kết quả thực hiện thì lại không đạt được như kỳ vọng.
Từ kết quả đánh giá tổng kết Chương trình, TTCP nêu một số kinh nghiệm đó là, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đồng tổ chức; tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành dự án cho các chủ đề án; trước khi quyết định giải ngân cho từng đề án, cần xem xét, đánh giá lần cuối Kế hoạch thực hiện, sau khi đề án đã được hoàn thiện, nâng cao tính khả thi, xác định rõ ràng các mục tiêu cần đạt; sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của các cơ quan hữu quan, của cộng đồng dân cư nơi triển khai đề án; sự tham gia của phóng viên báo chí, các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng tạo hiệu ứng lan tỏa những tác động tích cực của Chương trình VACI trong xã hội.
Qua đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kết quả thực hiện các đề án VACI 2011, tiếp thu những sáng kiến, bài học thực tiễn từ việc thực hiện các đề án để hướng dẫn, chỉ đạo nhân rộng việc thực hiện trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình và phục vụ cho việc hoạch định, hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các nhà tài trợ triển khai các Chương trình VACI tiếp theo, đặc biệt là hỗ trợ, tạo điều kiện để các đề án được trao giải triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.
Đối với các nhà tài trợ, xem xét khả năng tăng tài trợ cho một số đề án thành công trong Chương trình VACI 2011 thông qua Chương trình VACI 2013 hoặc trên cơ sở các cơ quan đồng chủ trì trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương để tài trợ theo mô hình ” Thí điểm nhân rộng đề án điển hình” trên nguyên tắc: Chính quyền địa phương (hoặc cơ quan chức năng) chủ trì, Chương trình VACI hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai nhân rộng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh, báo cáo tổng kết của TTCP thể hiện quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác PCTN, trong đó nhấn mạnh tới hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực từ các dự án và toàn Chương trình VACI 2011 đối với công tác PCTN nói chung, rút ra những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị về cơ chế hợp tác, điều phối Chương trình giữa các cơ quan đồng chỉ trì. Báo cáo Tư vấn giám sát hoạt động chú trọng tới mặt kỹ thuật của Chương trình, tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết theo những tiêu chí và phương pháp tính toán khoa học để từ đó đưa ra nhận định, đánh giá về chất lượng, hiệu quả của từng đề án cũng như toàn bộ chương trình. Qua đó, Phó tổng Thanh tra khẳng định, dù phương pháp, kỹ thuật khác nhau, nhưng các báo cáo đã thống nhất nội dung đánh giá khái quát về sự thành công của Chương trình VACI 2011, cơ bản thống nhất đánh giá về những đề án điển hình xuất sắc cũng như về một số hạn chế cụ thể ở một vài đề án. Phó tổng Thanh tra đề nghị, cơ quan đồng chủ trì và các nhà tài trợ chia sẻ quan điểm và cân nhắc đề xuất của TTCP liên quan tới việc tài trợ ”Thí điểm các đề án điển hình”. TTCP đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét những vấn đề tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đông. Quy chế dân chỉ cơ sở để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cộng đồng./.
Theo: thanhtra.gov.vn